Các bị cáo gồm: Lê Văn Nhường (62 tuổi, cựu Trưởng thôn Vệ Xá, xã Đức Long, TX.Quế Võ), Lê Văn Thụy (63 tuổi, cựu Bí thư Chi bộ thôn Vệ Xá), Nguyễn Văn Cử (64 tuổi, cựu Phó chủ nhiệm hợp tác xã) và Lê Văn Phong (54 tuổi, cựu kế toán thôn Vệ Xá).
Giao đất để có tiền làm đường, xây nhà văn hóa
Năm 2014, UBND xã Đức Long triệu tập các trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn để triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 70% kinh phí, 30% còn lại các thôn phải tìm nguồn vốn đối ứng.
Trển khai kế hoạch này, bị cáo Lê Văn Thụy tổ chức họp chi bộ, thống nhất sẽ thanh lý các diện tích ao, thùng trên địa bàn, vì nếu huy động tiền đóng góp là khó khả thi, do đời sống bà con còn khó khăn.
Các bị cáo tại tòa ngày 3/7
Kết quả điều tra cho thấy thôn Vệ Xá đã giao thầu 4 thửa đất với tổng diện tích hơn 1.000 m2 cho 4 hộ dân, thu về hơn 602 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được bị cáo Lê Văn Nhường nộp vào tài khoản của UBND xã Đức Long.
Tiếp đó, năm 2017, thôn Vệ Xá tiếp tục được giao tìm nguồn vốn đối ứng để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn. Cũng như lần trước, thôn giao 5 thửa đất ao, thùng cho 5 hộ dân, thu về hơn 571 triệu đồng, nộp toàn bộ vào tài khoản UBND xã.
Tháng 3/2024, cho rằng các bị cáo giao đất trái thẩm quyền, về bản chất là bán đất, TAND thị xã Quế Võ tuyên phạt ông Nhường 7 năm 6 tháng tù, ông Phong 6 năm 6 tháng tù, ông Thụy và ông Cử cùng mức án 3 năm 6 tháng tù.
Vẫn theo tòa, do các thửa đất là xen kẹt, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 1,1 tỉ đồng cho 9 hộ dân.
Cho rằng mức án quá nặng, các bị cáo Nhường, Thụy và Phong kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, riêng bị cáo Cử xin giảm nhẹ và được hưởng án treo.
Không vụ lợi nhưng vẫn bị tuyên tội tham nhũng
Quá trình xét xử phúc thẩm, các bị cáo Nhường, Thụy và Phong đều cho rằng mình không phạm tội lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ - một trong những tội thuộc nhóm tham nhũng.
Theo các bị cáo, dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội này là yếu tố vụ lợi. Tuy nhiên, các bị cáo làm vì lợi chung, làm để người dân có đường bê tông sạch đẹp đi lại, có nhà văn hóa cho bà con sinh hoạt, vui chơi. Các bị cáo không hưởng lợi cá nhân bất cứ đồng nào.
Bị cáo Nhường khai, trong hợp đồng với các hộ dân đều ghi là giao thầu lâu dài, tức là không xác định thời hạn, có thể vài tháng hoặc vài năm, khi nào Nhà nước thu hồi thì phải chấp hành, chứ không có chuyện bán đất.
Trong khi đó, bị cáo Thụy nói việc giao thầu đất không phải ngày một ngày hai, mà kéo dài cả năm trời, nói xã không biết thì không đúng. Hơn thế, nếu xã không đồng ý, người dân trong thôn không đồng tình, chắc chắn các bị cáo không thể làm.
Các bị cáo thừa nhận hành vi giao đất là trái thẩm quyền, do bản thân thiếu hiểu biết và mong muốn mang lại lợi ích cho người dân. Họ đề nghị được chuyển tội danh từ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm không chấp nhận quan điểm trên. Theo tòa, các bị cáo là những người được cấp trên phê chuẩn, có quyền hạn nhất định trong thi hành công vụ. Các bị cáo đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, giao thầu đất dù không có thẩm quyền.
Hội đồng xét xử cũng viện dẫn Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cho thấy vụ lợi không nhất thiết phải cho mình mà có thể cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trong vụ án này, các bị cáo dù không vụ lợi cho bản thân nhưng đã vụ lợi cho địa phương, thông qua việc giao đất trái thẩm quyền để có tiền đối ứng xây dựng các công trình nông thôn mới. Đây là hành vi vụ lợi không chính đáng, thỏa mãn dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Từ căn cứ đã nêu, tòa phúc thẩm tuyên y án đối với 3 bị cáo Nhường, Phong và Thụy, giảm án cho bị cáo Cử xuống còn 3 năm tù.
Tòa cũng ra lệnh tạm giam đối với các bị cáo để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Chi Mai